#Dịch_báo_tiếng_anh #dịch_báo_chí_anh_việt
Chúng ta rất hay gặp các từ dạng như whom, who, which, when… Và trong đầu chúng ta ắt hẳn sẽ có phản xạ là phải dịch những từ này. Tuy nhiên, hãy tư duy thêm 1 lần nữa, rõ ràng là việc dịch các từ này thành các từ như: cái mà, người mà, công ty mà, trong khi mà, thứ mà,… sẽ khiến bản dịch của chúng ta nghe rất ngang tai, rất non.
Lưu ý thứ 2, hãy chuyển các câu bị động thành chủ động, và đặc biệt, trong các ngôn ngữ sử dụng chủ ngữ giả như tiếng Anh, hãy chú ý xử lý các chủ ngữ giả này một cách tinh tế. Tiếng Việt của chúng ta thường sử dụng thể chủ động do đặc thù ngôn ngữ và thói quen sử dụng ngôn ngữ từ lâu nay. Do đó, khi đối mặt với các câu bị động, hãy chuyển về thể chủ động nếu có thể. Có thể nói, đây là thao tác nhất cử lưỡng tiện, vừa giúp bài dịch nghe xuôi tai, thuần việt, lại vừa giúp chúng ta thoát khỏi cái bóng của văn bản gốc.
Đối với chủ ngữ giả, gần đây mình có gặp một bài dịch như thế này: Nó được cho rằng vào năm 2023, công nghệ 5G sẽ trở nên phổ biến giống như 4G hiện tại.
Đây là một lỗi rất cơ bản. và theo ý kiến của mình, đúng ra câu này nên được dịch thành: Công nghệ 5G được cho rằng sẽ phổ biến vào năm 2023 giống như công nghệ 4G hiện nay. Hoặc cách dịch khác bay bổng hơn sẽ là: Các chuyên gia cho rằng công nghệ 5G sẽ trở nên phổ biến vào năm 2023 giống như công nghệ 4G ở thời điểm hiện tại.